Họp báo Thường kỳ Bộ Công Thương (tháng 3/2021)

Chiều ngày 12/3/2021, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn Bộ Công Thương cùng Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí, truyền thông về các lĩnh vực của ngành Công Thương quản lý.

Thương mại vẫn duy trì đà tăng tích cực

Thông tin chung tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, 2 tháng đầu năm 2021, so với diễn biến chung của thế giới thì kinh tế, thương mại Việt Nam vẫn duy trì được đà tích cực hơn. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD  (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD).

Về thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 5,4% so với tháng 1/2020 nhưng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Để bảo đảm mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 (số 28/TB-VPCP ngày 17 tháng 02 năm 2021); Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 19 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) cho các địa phương vùng có dịch (đặc biệt là tỉnh Hải Dương) và các tỉnh giáp ranh.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương luôn chú trọng đến nguồn cung hàng hóa cơ bản, thiết yếu và hàng hóa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như khẩu trang, nước sát khuẩn để phục vụ thị trường địa phương. Theo báo cáo của các địa phương, thị trường cơ bản không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung hàng hóa luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch bệnh Covid-19.

Quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại buổi họp báo

Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong tháng 3 và những tháng tiếp theo của năm 2021, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Một là, quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh;

Hai là, dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.

Ba là, đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Bốn là, tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án năng lượng, công nghiệp có quy mô lớn; bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.

Năm là, tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp cụ thể, hiệu quả hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nông sản tại các địa phương có dịch Covid-19.

Sáu là, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch….

Bám sát kịch bản phát triển của Ngành để có giải pháp ứng phó phù hợp 

Tại Họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn Bộ Công Thương cũng Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí, truyền thông về các lĩnh vực của ngành Công Thương quản lý.

Bà Nguyễn Thuý Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch 

Thông tin với các cơ quan báo chí, truyền thông về các giải pháp để ổn định xuất khẩu, sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 của Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thuý Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, đầu năm 2020, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh. Theo đó, Chương trình hành động đã giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị trong Bộ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2002 song hoạt động của ngành Công Thương năm 2020 vẫn đạt kết quả khả quan, tất cả các lĩnh vực đều có tăng trưởng, đặc iệt, xuất khẩu tăng trưởng mức cao (7%), hoàn thành kế hoạch đề ra.

Từ đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục bám sát nhiệm vụ tại Chương trình hành động đã ban hành từ năm 2020 và bổ sung các nhiệm vụ mới, phù hợp với tình hình mới, trong đó, tập trung một số nhiệm vụ cốt lõi như sau:

Tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, bám sát kịch bản phát triển của Ngành để có giải pháp ứng phó phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang xảy ra.

Theo dõi sát sao tình hình sản xuất công nghiệp, cung cầu hàng hoá thiết yếu để có biện pháp chỉ đạo điều tiết sản xuất và kinh doanh phù hợp tình hình mới.

Tổ chức tốt hệ thống phân phối vừa đáp ứng nhu cầu người dân, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân và thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh triển khai các phương thức kinh doanh mới nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá trên cả nước.

Hướng dẫn doanh nghiệp khai thác tốt các thị trường có FTA, đặc biệt ưu tiên xúc tiến thương mại vào các thị trường xuất khẩu đã có sự khôi phục sau dịch bằng các hình thức xúc tiến thương mại mới.

Phối hợp các cơ quan chức năng tạo điều điều kiện giúp các doanh nghiệp lưu thông hàng hoá tốt nhất, giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định sản xuất kinh doanh…

Đảm bảo thực thi pháp luật đầy đủ trong kinh doanh xăng dầu

Thông tin tại họp báo, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định, qua theo dõi, việc kinh doanh xăng dầu về cơ bản là đáp ứng tốt yêu cầu của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83). Tuy nhiên, trong quá tình kiểm tra giám sát, có một số thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm theo quy định tại Nghị định. Bộ Công Thương luôn yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu đảm bảo thực thi pháp luật đầy đủ trong kinh doanh xăng dầu.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước

Theo đó, Bộ Công Thương thường xuyên có những văn bản yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng, sản xuất. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về kinh doanh xăng dầu, trong đó có những vấn đề về duy trì điều kiện đầu tư kinh doanh hay vấn đề về phát triển hệ thống để phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất.

Ngoài ra, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với những cơ quan chức năng như Bộ Công an, Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cảnh sát biển trong công tác phối hợp liên ngành để thực hiện tốt trong công tác phòng, chống gian lận thương mại cũng như giám sát các hoạt động kinh doanh của các thương nhân kinh doanh dầu.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, về hạn mức tối thiểu đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, để đảm bảo an ninh năng lượng, trước đây chúng ta nhập khẩu 70-75%. Khi các doanh nghiệp được cấp phép thành doanh nghiệp đầu mối, hàng năm phải đăng ký kế hoạch nhập khẩu bao nhiêu. Vì vậy, nếu không có hạn mức thì sẽ thiếu để cung cấp trong nước. Thậm chí, doanh nghiệp phân phối, đại lý ở dưới có quyền không phải lấy của doanh nghiệp đầu mối mà còn có thể lấy của doanh nghiệp khác bởi nhiều khi hạn mức của 1 doanh nghiệp, của 1 đầu mối còn ít so với tổng số tiêu thụ trực tiếp trên thị trường, cho nên nhiều khi hạn mức của một doanh nghiệp hoặc của một đầu mối có thể ít nhưng tổng số tiêu thụ hoặc trực tiếp vận hành trên thị trường nhiều hơn số một doanh nghiệp đầu mối cung cấp. Thứ trưởng cho biết, nguồn cung cho xăng dầu hiện đã thay đổi với 70-75% nguồn xăng dầu là lấy ở trong nước, do các nhà máy Nghi Sơn, Dung quất, …. cung cấp. Chính vì vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu chỉ còn 20-25%.

Trong việc sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, qua đề xuất của các doanh nghiệp và đề xuất của các cơ quan quản lý là nên bỏ hạn mức này đi vì doanh nghiệp sẽ chủ động trong việc kinh doanh. Còn nếu kinh doanh hàng lậu, hàng giả thì phải quản lý theo cách khác, trong đó có Ban chỉ đạo 389 và các lực lượng để đảm bảo chống hàng lậu, hàng giả. Doanh nghiệp nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm xử lý của pháp luật.

Khi có cơ chế hợp lý, hài hòa lợi ích các bên sẽ phát huy nguồn lực mạnh mẽ

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc rà soát tổng thể các dự án điện mặt trời, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hiện điện mặt trời mái nhà (MTMN) là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải, tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối, ... do đó cần khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, vừa rồi Thủ tướng có yêu cầu Bộ Công Thương rà soát phát triển điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt và quá tải đường dây. Ông Hoàng Tiến Dũng lý giải, việc quá tải diễn ra vào năm 2019 và đầu 2020 tại một số địa phương như Ninh Thuận vì tốc độ phát triển dự án rất nhanh. Với dự án điện mặt trời tốc độ xây dựng chỉ từ 4-6 tháng, nhưng với đường dây truyền tải thời gian xây dựng phải mất từ 2 năm trở lên, nên sự tương thích về đầu tư và phối hợp chưa nhịp nhàng.

Thời gian qua EVN đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải, nhiều dự án của tư nhân… nên cơ bản đến nay quá tải do năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo theo đó đã được giải quyết”- ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định. Ông Hoàng Tiến Dũng cho biết thêm, vừa rồi có trường hợp dư thừa công suất, gây ra khó khăn cho vận hành hệ thống điện. Đầu năm 2021 rơi vào Tết Nguyên đán sản lượng điện cũng được yêu cầu thấp hơn, nên tất cả các nhà máy không chỉ mặt trời mà các nguồn truyền thống đều phải cắt giảm công suất. Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã đã có công văn gửi EVN và địa phương báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 13 và ngày 5/3 đã lập đoàn kiểm tra và dự kiến kiểm tra 10 tỉnh, thời gian thực hiện 40 ngày và khi có kết quả sẽ thông tin. Thời gian kiểm tra diễn ra trong 40 ngày. Kết quả của quá trình kiểm tra, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông tin công luận được biết.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Liên quan đến quy hoạch điện VIII, với nhu cầu vốn lên đến 150 tỷ USD, nhu cầu phụ tải duy trì mức cao 8-9%/năm, tổng công suất 140.000 MW gấp đôi so với hiện nay, nên cần nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, mỗi năm cần 12-13 tỷ USD là thách thức lớn cho phát triển.

Vấn đề nguồn vốn là phức tạp nên với từng dự án thì chủ đầu tư phải lập nghiên cứu báo cáo phân tích khả thi, tính toán cụ thể, nhưng quy hoạch chỉ đưa ra tổng vốn huy động và giải pháp chính. Trong đó, với huy động vốn đề xuất giải pháp là tăng khả năng tài chính nội bộ của doanh nghiệp, tăng uy tín năng lực tài chính để vay vốn thuận lợi với chi phí thấp hơn. “Với nguồn vốn hàng năm huy động cao như vậy, cần có cơ chế mạnh mẽ hơn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành điện thông qua cơ chế đấu thầu hoặc xã hội hóa đường dây truyền tải,… để huy động nguồn lực” - ông Hoàng Tiến Dũng nói. Theo đó, Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhìn nhận, khi có cơ chế hợp lý, hài hòa lợi ích các bên sẽ có nguồn lực mạnh mẽ. 

Định hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá điện theo cơ cấu nguồn điện mới trong Tổng sơ đồ VIII và vấn đề xem xét cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Quyết định 28, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, hiện nay cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đang được thực hiện theo Quyết định 24 ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giá bán lẻ điện sẽ được xây dựng phản ánh các yếu tố đầu vào, các chi phí cho toàn bộ chuỗi dây chuyền sản xuất cung ứng điện từ khâu truyền tải, phân phối, từ bán lẻ điện đến các khách hàng sử dụng điện, hiện nay Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục chỉ đạo và điều hành giá điện theo đúng quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ.

Về sơ đồ điện VIII, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ Công Thương xem xét và sẽ sớm trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới. Cụ thể, trong tổng sơ đồ điện VIII sẽ có quy hoạch về phát triển các nguồn điện trong giai đoạn tới cũng như dự kiến khối lượng, định hướng phát triển của lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Song song với đề án này, Bộ Công Thương cũng đã có đưa ra chi phí cận biên trong khâu nguồn, chi phí cận biên lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối.

Song song với việc xây dựng tổng sơ đồ này, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai xây dựng các khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2021 – 2026. Về nguyên tắc, khung giá bán lẻ điện này sẽ bám sát vào các khối lượng đầu tư trong khâu phát điện, khâu truyền tải cũng như phân phối.

Về vấn đề điều hành giá điện, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện việc điều hành giá điện theo đúng quy định tại Quyết định 24 cũng như định hướng về vấn đề điều hành giá điện theo cơ chế thị trường định hướng tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực 

Đối vấn đề xem xét cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Quyết định 28, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2020 Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu, xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện.

Đề án này cũng đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, các địa phương cũng như báo cáo xin ý kiến rộng rãi của khách hàng sử dụng điện. Trên cơ sở đánh giá, góp ý kiến của các đơn vị của khách hàng sử dụng điện, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo đó Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 28 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phục vụ cho các khách hàng sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, hành chính sự nghiệp để đảm bảo phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện khách hàng. “Sau khi hoàn chỉnh phương án này,  Bộ Công Thương cũng sẽ lại một lần nữa lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành và các đơn vị trước khi hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”- ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Mỹ La tinh là thị trường tiềm năng với các nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất

Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu. Theo đó, thị trường khu vực Mỹ La tinh tiềm năng với các nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhất là nông sản. 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã nhập khẩu nhiều thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thực vật phục vụ chế biến thức ăn gia súc.

Năm 2020, chúng ta đã nhập khẩu từ 2 nước chính là Brazil và Argentina như ngô ta nhập khẩu 584 triệu USD; thức ăn gia súc 391 triệu USD, tăng trưởng 83%. Còn Argentina, nhập khẩu 2 mặt hàng này là 3 tỷ USD. Điều này cho thấy khả năng cung cấp của thị trường này tương đối lớn.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu

Thời gian qua, giá các nguyên liệu thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn gia súc giảm, tạo thuận lợi cho ngành chăn nuôi. Nhưng các nguyên liệu nói chung, kể cả nguyên liệu nông sản có tính chất biến động trên thị trường rất mạnh. Sự biến thiên các mặt hàng là điều khó lường nên việc dự đoán chính xác về việc giá cả nguyên liệu, thức ăn gia súc sẽ giảm bao nhiêu, trong thời gian bao lâu là rất khó khăn. Trên tinh thần chung, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, doanh nghiệp cần tính toán, cân nhắc kỹ về các yếu tố tác động đến thị trường nguyên liệu, khả năng huy động vốn và khả năng lưu trữ để quyết định việc có nên gia tăng nhập khẩu nguyên liệu trong thời điểm này hay không.


  • Theo moit.gov.vn