Điện lực A Lưới nỗ lực cấp điện ổn định cho đồng bào vùng cao

Tuy khó khăn, nhưng những năm qua điện lực A Lưới (thuộc Công ty điện lực Thừa Thiên Huế - PC Thừa Thiên Huế) luôn vượt qua những khó khăn, không ngừng đầu tư trang thiết bị, hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính nhằm cung cấp điện ổn định, an toàn cho người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

A Lưới là huyện vùng núi phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, có biên giới giáp với nước bạn Lào, là địa phương có địa hình đồi núi hiểm trở, phức tạp, dân cư sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Vân Kiều…

dien luc a luoi no luc cap dien on dinh cho dong bao vung cao
Do địa bàn hiểm trở, đồi núi nên tại các điểm cột luôn có nguy cơ sạt lở cao, uy hiếp hệ thống lưới điện

Điện lực A Lưới cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 230km đường dây trung thế, 206km đường dây hạ thế; 2 trạm trung gian gồm trung gian Bốt Đỏ 35/22kV- 6.400kW, trung gian Hồng Thủy 35/22kV- 3.200kW; 128 trạm phân phối 22/0,4kV và 12.700 khách hàng thuộc địa bàn huyện A Lưới. Mặc dù địa hình miền núi phức tạp, đường dây đi qua các vùng rừng nguyên sinh, rừng trồng nguy cơ cây đổ vào lưới điện gây sự cố rất cao. Nhưng bằng vào sự nỗ lực của toàn ngành điện nên thời gian qua đã đảm bảo cung cấp điện ổn định cho địa phương.

Ông Hồ Long – Phó Giám đốc phụ trách Điện lực A Lưới cho biết, trước đây, từ năm 1997, A Lưới bắt đầu được hưởng lợi từ nguồn điện Quốc gia qua đường dây 35kV độc đạo từ trạm 220kV E6-Ngự Bình đến trạm trung gian Bốt Đỏ-A Lưới. Đây là đường dây dài qua nhiều địa giới hành chính khác nhau nên hay xảy ra sự cố, mỗi khi sự cố đường dây này thì huyện A Lưới hoàn toàn mất điện. Để khắc phục tình trạng này, tháng 12/2013, PC Thừa Thiên Huế đã đầu tư và đưa vào sử dụng trạm Trung gian Hồng Thủy lấy nguồn 35kV từ trạm 110kV Tà Rụt-Quảng Trị để làm nguồn dự phòng cho huyện A Lưới, từ đó mỗi khi sự cố hoặc có công tác trên đường dây 35kV E6- Bốt Đỏ thì lấy nguồn từ trung gian Hồng Thủy vào, A Lưới không còn mất điện.

Bên cạnh đó, tháng 9/2015 Thủy điện A Roàng (huyện A Lưới) thi công xong và phát điện lên lưới 35kV đấu nối vào trạm trung gian Bốt Đỏ, tháng 11/2018 Thủy điện A Lin thượng (huyện A Lưới) thi công xong và phát điện lên lưới 22kV đấu nối vào xuất tuyến 471 trung gian Bốt Đỏ. Việc hai nhà máy này đi vào vận hành, khai thác đã tạo thêm nguồn cung cấp cho lưới điện, đảm bảo sự ổn định, hạn chế rất nhiều tình trạng mất điện trên địa bàn huyện A Lưới.

dien luc a luoi no luc cap dien on dinh cho dong bao vung cao
Điểm cột mới sau khi di dời khỏi khu vực xung yếu tại điện lực A Lưới

Ngoài ra, để đảm bảo cung cấp điện ổn định, đảm bảo nguồn điện sinh hoạt cũng như sản xuất kinh doanh, đầu năm 2018, PC Thừa Thiên Huế đầu tư trên 4,7 tỷ đồng để thi công 18 khoảng cột mới với chiều dài 3,3km nắn tuyến tránh vùng bị sạt lở do bão tháng 11/2017 gây nên và hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 8/2018; tháng 9/2018 điện lực A Lưới thực hiện di dời vị trí 336 xuất tuyến 471 trung gian Bốt Đỏ và vị trí 17 xuất tuyến 472 trung gian Bốt Đỏ do bị xói lở móng. Đặc biệt, thực hiện kiểm tra lưới điện và ký biên bản làm việc với các công trình thủy điện trên địa bàn về việc phối hợp trong công tác chuẩn bị và khắc phục hậu quả trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại thủy điện A Lưới, Sông Bồ, A Roàng, A Lin.

Cũng theo điện lực A Lưới, hiện nay, hầu hết các hộ dân trên địa bàn, kể cả người dân ở vùng sâu vùng xa đều tiếp cận và sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Trên địa bàn 100% sử dụng đồng hồ điện tử để đo đếm điện, đa số dùng hệ thống dây cáp xoắn ABC. Để đảm bảo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đơn vị thường xuyên gửi thông báo phối hợp với các xã về việc tuyên truyền trong nhân dân bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, kiểm tra các điểm xung yếu và phát quang hành lang triệt để, hạn chế rất nhiều nguy cơ sự cố, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

“Tuy nhiên, đơn vị cũng gặp khó khăn trong vấn đề bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, do một số địa phương vẫn chưa tuyên truyền thấu đáo, cấp đất cho dân chồng lấn với đường dây điện. Một số người dân làm nhà, trồng cây dưới hoặc lân cận đường dây điện vì cho rằng mình có quyền sử dụng đất này. Vì vậy nguy cơ sự cố do vi phạm hành lang an toàn luôn tiềm ẩn. Mong rằng các cấp chính quyền địa phương luôn hợp tác với ngành Điện, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để đảm bảo lưới điện luôn vận hành ổn định, an toàn và lâu dài”, ông Long chia sẻ.

Nguyễn Tuấn


  • Theo Báo Công Thương