Theo báo cáo, tính đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương để các nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực gồm 49 dự án điện mặt trời, với tổng công suất trên 3.000MW. Trong đó có 29 dự án đã được Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và tỉnh, với tổng công suất 1.938 MW. Trên cơ sở đó, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 29 dư án có tổng công suất 1.748 MW; 20 dự án còn lại tỉnh đã trình Bộ Công Thương xem xét phê duyệt. Trong 29 dự án đã cấp chủ trương đầu tư, có 18 dự án đã khởi công, tổng công suất 1.193 MW, tổng vốn đầu tư 21.543 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018; 15 dự án hoàn thành trước tháng 6-2019. Hầu hết các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đang được các chủ đầu tư khẩn trương triển khai theo đúng tiến độ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên khả năng giải tỏa công suất các dự án đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do khả năng giải tỏa công suất lưới điện của tỉnh chỉ khoảng 900MW (còn thiếu hơn 1000MW). Tại buổi làm việc, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến về chủ trương và chỉ đạo để có cơ sở đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh nhằm giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo; quan tâm phê duyệt Quy hoạch điện mặt trời tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030; thống nhất về chủ trương việc thỏa thuận mua toàn bộ sản lượng điện của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh…
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thời gian qua đã quan tâm, hỗ trợ tỉnh nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, tạo điều kiện cho tỉnh sớm triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Đây là cơ sở để tỉnh cụ thể hóa mục tiêu phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh mong muốn thời gian tới, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tham mưu Bộ Công Thương tạo điều kiện để tỉnh xây dựng đường dây và trạm 500 KV phục vụ tổ hợp điện khí Cà Ná sắp được triển khai, kịp thời đưa vào tổng sơ đồ 7. Đối với một số kiến nghị của đoàn công tác, UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo rà soát lại toàn bộ 12 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Điện lực Việt Nam thúc đẩy lắp đặt trạm 220KV Ninh Phước. Giao Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và các huyện có dự án, tổng rà soát các danh mục, dự án đưa vào quy hoạch phải được cân đối hợp lý với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh.
* Cùng ngày, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng điện 4, nhằm thống nhất phương án đầu tư hạ tầng truyền tải điện để giải phóng công suất các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc, sau khi nghe các đại biểu trình bày các phương án về lộ trình nâng cấp, cải tạo, quy mô đầu tư hạ tầng truyền tải điện, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Công Thương phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng điện 4 và các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thiện dứt điểm các phương án để trình Bộ Công Thương. Các phương án phải tối ưu, thuận lợi trong đầu tư; đảm bảo xác lập vị trí trạm, đường dây ít ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và phát triển nông thôn.
Hữu Phương