Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó có định hướng phát triển điện mặt trời mái nhà.
Cụ thể, ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu, trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia.
Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW.
|
Hệ thống Điện mặt trời áp mái được lắp đặt và đưa vào sử dụng tại nhà làm việc Tổng Công ty Điện lực miền Trung. Ảnh: TTXVN |
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết thêm, cơ cấu nguồn điện mặt trời đến năm 2030 là 12.836 MW (8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW. Nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Trước mắt trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ xác định công suất điện mặt trời mái nhà, tự sản tự tiêu của các địa phương.
Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, tự sản tự tiêu, không bán điện lên lưới điện quốc gia nhằm mục đích tiêu thụ tại chỗ, do đó không xác định cơ chế giá điện. Giá bán điện mặt trời mái nhà tại quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ không còn áp dụng cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt sau ngày 31/12/2020.
“Việc hướng dẫn thỏa thuận đấu nối, lắp đặt hệ thống đo đếm… đề nghị tham khảo ý kiến của Cục Điều tiết điện lực theo đúng chức năng nhiệm vụ”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.
Theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo khá dồi dào và đa dạng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối… Trong đó, khu vực miền Trung và miền Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời mái nhà với độ bức xạ đạt từ 4,2 đến 4,8 kWh/m2/ngày.
Điện mặt trời trên mái nhà tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, thời gian phát chủ yếu vào ban ngày nen sẽ làm giảm áp lực giảm áp lực về phụ tải lưới điện và giảm gánh nặng về đầu tư hệ thống. Không những thế, việc phát triển điện mặt trời còn mang ý nghĩa về xã hội và môi trường. Đồng thời, giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm, giảm giá mua điện bậc cao.
Đặc biệt, việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện./.
"Trước đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt rrời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025. Chương trình hướng đến mục tiêu hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo thông qua giải pháp về phát triển thị trường công nghệ điện Mặt Trời trên mái nhà tại Việt Nam.
Chương trình gồm năm hợp phần: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường; Tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm; Thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm; Chương trình Chứng chỉ Điện mặt trời áp mái và cấp chứng chỉ điện mặt trời áp mái; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và Chiến lược truyền thông."
|
Thái Bình