Việc xây dựng khung giá cho các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã và đang được Bộ Công Thương gấp rút triển khai vừa đảm bảo tính kịp thời nhưng cũng phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.
Đó là khẳng định của ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khi trao đổi với phóng viên của Báo Công Thương.
|
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương |
Thưa ông, hiện giá FIT cho các dự án điện gió và điện mặt trời đã kết thúc, vậy khi nào Bộ Công Thương sẽ ban hành khung giá cho các dự án chuyển tiếp?
Như chúng ta đã biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2020 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, đối với điện gió là Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 và được sửa đổi bằng Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2018 (gọi chung là giá FIT). Tuy nhiên đến nay giá FIT theo các Quyết định này đã không còn áp dụng cho các dự án điện mặt trời vào vận hành sau ngày 31/12/2020 và các dự án điện gió vào vận hành sau ngày 31/10/2021.
Cơ chế giá bán điện cố định FIT là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư, trong đó có điện mặt trời và điện gió. Do đó, việc kéo dài cơ chế giá bán điện cố định FIT đối với các dự án điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới là không còn phù hợp.
Ngay sau khi giá FIT cho điện mặt trời, điện gió hết hiệu lực, từ đó đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực phối hợp với các Cục, Vụ trong Bộ nghiên cứu chính sách nhằm phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã có báo cáo số 17/BC-BCT ngày 27/01/2022 về cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời đối với các dự án chuyển tiếp và có đề xuất, kiến nghị “Giao Bộ Công Thương xây dựng và ban hành Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện và phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện đối với các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió nêu trên”.
Trên cơ sở cuộc họp ngày 17 tháng 02 năm 2022, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 55/TB-VPCP ngày 26 tháng 02 năm 2022 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại mục “2. Về đề xuất giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã và đang triển khai đầu tư nhưng không kịp mốc thời gian theo quy định…: Yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện đúng quy định của pháp luật”.
Ngày 24 tháng 3 năm 2022, Bộ Công Thương có Tờ trình số 1513/TTr-BCT về việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.
Trên cơ sở cuộc họp ngày 13 tháng 4 năm 2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3790/VPCP-CN ngày 20 tháng 6 năm 2022 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành “yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện đúng quy định của pháp luật”.
Theo đó, Bộ Công Thương rà soát quy định pháp luật hiện hành và tại khoản 4 Điều 29 Luật Điện lực (được sửa đổi bổ sung năm 2012) quy định chính sách giá điện: “Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá ... do Nhà nước quy định của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực”; tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực “Bộ Công Thương có trách nhiệm quy định phương pháp, trình tự lập và thẩm định khung giá phát điện…” và điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP: “Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm phê duyệt khung giá phát điện.
Như vậy, theo Luật Điện lực thì khung giá điện sẽ do Bộ Công Thương ban hành và đảm bảo tính tự quyết của bên mua điện ở đây là Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông qua đàm phán, hiệp thương… mua điện từ các dự án chuyển tiếp đảm bảo tuân thủ Luật Điện lực.
Có thể khẳng định, liên quan đến vấn đề trên Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt và Bộ Công Thương cũng đã đôn đốc, sát sao để triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo từ Chính phủ. Hiện Bộ Công Thương đã chỉ đạo và giao cho các Cục, Vụ liên quan như: Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Pháp chế… nghiên cứu để xây dựng khung giá cho các dự án điện gió và điện mặt trời, trên cơ sở kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho các doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Thưa ông, vừa qua Sở Công Thương Gia Lai đã có kiến nghị trong thời gian giá bán điện chưa được ban hành thì cho phép các dự án chuyển tiếp được đấu nối phát điện lên lưới điện quốc gia và ghi nhận sản lượng điện phát được; sau khi giá bán điện được ban hành thì mới tính toán và hoàn trả tiền bán điện cho các chủ đầu tư dự án điện gió, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc kiến nghị của nhà đầu tư là cứ cho đấu nối và ghi nhận sản lượng, liên quan đến vấn đề này quyền quyết định thuộc về EVN. EVN quyết định việc công nhận ngày vận hành thương mại và huy động nhà máy điện gió được thực hiện theo quy định tại Quyết định 39, Thông tư 02, các quy định pháp luật hiện hành khác và trên cơ sở hợp đồng mua bán điện đã ký, khả năng truyền tải công suất của hệ thống điện và nhu cầu phụ tải điện, đảm bảo an toàn hệ thống và tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Đó là với các dự án chuyển tiếp, vậy với các dự án chưa triển khai thì thời gian tới sẽ thực hiện theo cơ chế nào thưa ông?
Hiện Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nguồn điện (trong đó có các dự án điện gió, điện mặt trời) trên cơ sở Luật đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Điện lực, Luật xây dựng, …
Bộ Công Thương đang nỗ lực hết sức nhằm sớm hoàn thiện các thể chế, chính sách trong lĩnh vực mà Bộ quản lý, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!