Thông tư này thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12 tháng 9 năm 2017, Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11 tháng 3 năm 2019 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Thông tư áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới và hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Đối với điện mặt trời nối lưới: Hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành và các yêu cầu như a) Đặc điểm khu vực, tiềm năng bức xạ mặt trời của dự án; b) Đánh giá ảnh hưởng của phương án đấu nối dự án điện mặt trời đối với vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện trong khu vực; c) Thiết kế, kết nối hệ thống SCADA hoặc thông tin điều độ.
Diện tích sử dụng đất, mặt nước có thời hạn của dự án không quá 1,2 ha/ 01 MWp.
Riêng với các dự án điện mặt trời nối lưới trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có giá bán điện được xác định trên cơ sở thứ tự về thời gian công nhận ngày vận hành thương mại (hoàn thành các thử nghiệm ban đầu đối với toàn bộ hoặc một phần công trình theo quy định; đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện; Bên bán điện và Bên mua điện chốt chỉ số công tơ để bắt đầu thanh toán) dự án hoặc một phần dự án, cụ thể:
Công suất của một phần hoặc toàn bộ dự án có ngày vận hành thương mại trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 thuộc tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW được áp dụng giá bán điện quy định tại khoản 3 Điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam;
Công suất của một phần hoặc toàn bộ dự án không thuộc tổng công suất tích lũy 2.000 MW, đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23 tháng 11 năm 2019 và có ngày vận hành thương mại từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 được áp dụng giá bán điện quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
|
Quy định mới nhất về phát triển dự án điện mặt trời và hợp đồng mua bán điện mẫu |
Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, được thực hiện theo trình tự như sau: Bên bán điện đăng ký đấu nối với bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam -EVN hoặc bên ngoài EVN) bao gồm các thông tin như địa điểm lắp đặt, quy mô công suất, đường dây tải điện, điểm đấu nối dự kiến. Sau khi Bên mua điện có ý kiến về khả năng đấu nối, truyền tải công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà của Bên bán điện đăng ký đấu nối lên hệ thống lưới điện của Bên mua điện. Thời hạn trả lời không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày Bên mua điện nhận được đăng ký của Bên bán điện.
Bên bán điện và Bên mua điện thực hiện thỏa thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà của Bên bán điện vào hệ thống lưới điện của Bên mua điện. Trường hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà của Bên bán điện đấu nối vào lưới điện không phải là tài sản của Bên mua điện hoặc lưới điện của đơn vị phân phối và bán lẻ điện, Bên mua điện và Bên bán điện thỏa thuận với tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu lưới điện để thực hiện thỏa thuận đấu nối. Thời hạn ký thỏa thuận đấu nối không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày Bên mua điện nhận được đủ hồ sơ đấu nối điện, văn bản chấp thuận đấu nối của chủ sở hữu lưới điện (nếu có).
Bên bán điện thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô phù hợp với nội dung tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này của Thông tư.
Bên bán điện gửi hồ sơ đề nghị bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà bao gồm văn bản đề nghị bán điện, tài liệu kỹ thuật về tấm quang điện mặt trời, bộ biến đổi điện từ một chiều sang xoay chiều (bộ nghịch lưu); đường dây tải điện, máy biến áp (nếu có); giấy chứng nhận xuất xưởng, chứng nhận chất lượng thiết bị (bản sao y).
Các bên thực hiện kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt công tơ đo đếm sản lượng điện, chốt chỉ số công tơ, ký hợp đồng mua bán điện và đóng điện, đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành; thời hạn Bên mua điện ký hợp đồng là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, hồ sơ đề nghị bán điện của Bên bán điện. Trường hợp bên mua điện là EVN hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền, Bên mua điện và Bên bán điện ký hợp đồng mua bán điện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.
Tùy thuộc điều kiện cụ thể và yêu cầu kỹ thuật của từng hệ thống điện mặt trời mái nhà, Bên bán điện và Bên mua điện thống nhất trình tự thực hiện tuần tự hoặc kết hợp đồng thời đối với các hạng mục, công việc quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này.
Bên bán điện phải bảo đảm bộ nghịch lưu có chức năng cắt hòa lưới điện khi lưới điện của Bên mua điện không có điện, chống khả năng can thiệp, chiếm quyền giám sát hoạt động, vận hành từ các yếu tố bên ngoài và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật về chất lượng điện năng.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Trách nhiệm của các bên
Cục điện lực và Năng lượng tái tạo có trách nhiệm a) Phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này; b) Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, sửa đổi, bổ sung Thông tư này.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm a) Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc phát triển điện mặt trời tại địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành. b) Hằng năm, trước ngày 15 tháng 01, báo cáo bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi Bộ Công Thương về hoạt động đăng ký đầu tư, tình hình triển khai thực hiện dự án điện mặt trời nối lưới phát sinh trong kỳ báo cáo trên địa bàn tỉnh để theo dõi và quản lý.
Bên mua điện là Tập đoàn EVN có trách nhiệm công bố nội dung hồ sơ xin thỏa thuận đấu nối, thí nghiệm, ký hợp đồng mua bán điện và nghiệm thu để đưa vào vận hành áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà; định kỳ 6 tháng thực hiện tổng hợp, báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trên toàn quốc; Chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi hoạt động vận hành các nhà máy điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nối lưới) theo đúng quy định của pháp luật, trường hợp phát hiện có sự xâm nhập trái phép từ bên ngoài, phần mềm giám sát thiết bị hoạt động nhà máy điện của Bên bán điện chứa các nội dung vi phạm pháp luật, thực hiện tạm dừng kết nối với hệ thống điện, lập biên bản và báo cáo Bộ Công Thương để xử lý.
Bên bán điện có trách nhiệm a) Tuân thủ quy định vận hành, điều độ hệ thống điện, quy định hệ thống điện truyền tải, quy định hệ thống điện phân phối do Bộ Công Thương ban hành; b) Thường xuyên kiểm tra hoạt động vận hành, phần mềm giám sát hoạt động thiết bị điện mặt trời và có phương án chống sự can thiệp, xâm nhập trái phép từ bên ngoài; c) Không vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin; d) Thực hiện công tác bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ và an toàn điện theo đúng quy định của pháp luật; đ) Thu gom, tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị, chất thải phát sinh của các công trình điện mặt trời trong quá trình xây dựng, vận hành hoặc khi kết thúc dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật về môi trường.
Toàn bộ hoặc một phần của dự án điện mặt trời đã ký hợp đồng mua bán điện và được công nhận ngày vận hành thương mại trước ngày 01 tháng 7 năm 2019 tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký.
Trường hợp các dự án điện mặt trời nối lưới (bao gồm toàn bộ hoặc một phần của dự án), hệ thống điện mặt trời mái nhà đã ký hợp đồng mua bán điện và đưa vào vận hành thương mại sau ngày 30 tháng 6 năm 2019 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực, Bên mua điện và Bên bán điện thực hiện ký lại hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã ký theo hợp đồng mua bán điện mẫu tại Điều 6 Thông tư này.
Xem chi tiết Quy định tại đây
Đình Dũng