Nỗ lực đầu tư
Báo cáo của EVN cho thấy, để đảm bảo giải tỏa công suất nguồn điện NLTT, ngay từ năm 2018, EVN đã chủ động tính toán và đề xuất Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch 15 công trình lưới điện 220 – 500kV khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Sau khi Thủ tướng chấp thuận bổ sung quy hoạch các công trình trên, EVN đã giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND các tỉnh tích cực triển khai, đẩy nhanh tiến độ và đưa công trình lưới điện vào vận hành đáp ứng theo tiến độ được duyệt.
Trong số các dự án, EVNNPT đã hoàn thành vượt tiến độ Dự án lắp máy 2 trạm biến áp (TBA) 220kV Hàm Tân và nâng công suất TBA 220kV Tháp Chàm. Bên cạnh đó, hoàn thành Dự án đường dây 110kV Phan Thiết - Phan Rí - Lương Sơn; hoàn thành cải tạo đường dây 110kV Tháp Chàm - Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí. Nhờ đó, EVN đã đảm bảo năng lực truyền tải và huy động tối đa năng lực phát điện của nguồn NLTT đã đi vào vận hành.
Để giải phóng hết công suất các dự án nguồn điện mới bổ sung, EVN đã có Văn bản số 95/EVN-KH ngày 07/01/2020 trình Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải, cấp bách. Báo cáo tại cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo Quốc gia về điện lực mới đây, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết: Hiện nay, EVN và các đơn vị đang nỗ lực đầu tư công trình lưới điện phục vụ giải tỏa nguồn điện NLTT, để đảm bảo giải tỏa hết công suất những dự án điện mặt trời đã vận hành trước ngày 30/6/2019. EVN chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện công trình trọng điểm như: Nâng công suất trạm 500kV Vĩnh Tân; trạm 500kV Di Linh; trạm 220kV Phan Rí và các đường dây 220 - 110kV đấu nối; trạm 220kV Ninh Phước và các đường dây 220kV đấu nối; đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm; đường dây 110kV Tháp Chàm - Ninh Phước mạch 2… với mục tiêu phấn đấu đến tháng 6/2020, sẽ giải tỏa hết công suất những nhà máy đã đi vào vận hành.
Cần thực hiện đồng bộ
Mặc dù đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Thái Sơn - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo, các dự án lưới điện nói chung và lưới điện phục vụ giải tỏa công suất NLTT vẫn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ, trong đó, vướng mắc lớn nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Cụ thể, đơn giá bồi thường còn bất cập, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa các tỉnh; công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều hạn chế (xác định nguồn gốc đất), gây tranh chấp, khiếu kiện kéo dài; không có quy định đối với diện tích đất mượn tạm thi công, dẫn tới người dân có những đòi hỏi chi phí đền bù vô lý… Gần đây là những thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng rất phức tạp và mất nhiều thời gian.
Thông qua Ban Chỉ đạo, EVN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác bồi thường, GPMB, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đối với dự án điện; sớm xem xét và ban hành chỉ thị tăng cường quản lý nhà nước về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thực hiện bồi thường, GPMB các dự án điện.
Đến tháng 2/2020, cả nước đã có 100 dự án điện NLTT (91 dự án điện mặt trời và 9 dự án điện gió) đi vào vận hành với tổng công suất đạt 5.120MW). EVN đang nỗ lực giải tỏa hết công suất những dự án điện mặt trời đã vận hành trước ngày 30/6/2019. |
Vũ Sơn