Một là, nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du:
- Vận hành điều tiết hồ với tổng lưu lượng xả không lớn hơn lưu lượng đến hồ trong mọi thời điểm cho đến khi lũ đạt đỉnh hoặc toàn bộ các cửa van được mở hoàn toàn.
- Việc thực hiện chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình được thực hiện theo quy trình vận hành của hồ đã được cấp có thẩm quyền ban hành, trừ các trường hợp bất thường hoặc các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai quyết định.
- Việc vận hành giảm lũ cho hạ du phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du các hồ chứa; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Trong thời gian vận hành mùa lũ khi chưa tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, mực nước các hồ chứa không được vượt quá mực nước cao nhất trước lũ quy định.
- Trong quá trình vận hành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ; mực nước tại các trạm thủy văn; mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo tiếp theo để vận hành, điều tiết hồ cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Khi kết thúc quá trình giảm lũ cho hạ du, vận hành trong tình huống bất thường hoặc vận hành bảo đảm an toàn công trình phải đưa dần mực nước hồ về cao trình mực nước cao nhất trước lũ quy định.
Hai là, trách nhiệm, thẩm quyền quyết định vận hành các hồ trong mùa lũ được quy định như sau:
- Đối với việc thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du do Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh quyết định việc vận hành các hồ.
- Đối với việc thực hiện chế độ vận hành trong tình huống bất thường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc vận hành các hồ.
- Đối với việc thực hiện chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình, vận hành trong điều kiện bình thường và vận hành tích nước cuối mùa lũ do Giám đốc hoặc Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành hồ quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Ba là, trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
- Quyết định vận hành các hồ theo thẩm quyền quy định;
- Tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, quyết định các phương án điều tiết, ban hành lệnh vận hành các hồ theo quy định. Việc ban hành lệnh vận hành hồ phải trước ít nhất 04 giờ tính đến thời điểm mở cửa xả đầu tiên, trừ các trường hợp khẩn cấp, bất thường;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành hồ, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với lũ, lụt và xử lý các tình huống ảnh hưởng đến an toàn dân cư ở hạ du khi các hồ xả nước;
- Khi ban hành lệnh vận hành hồ phải thông báo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện trên địa bàn có khả năng bị lũ, lụt do vận hành hồ; đồng thời thông báo cho Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn của các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai bằng các hình thức phù hợp.
Bốn là, trách nhiệm của Bộ Công Thương
- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Chủ hồ thực hiện đảm bảo an toàn hồ chứa.
- Chỉ đạo, đôn đốc các hồ thuỷ điện thực hiện:
+ Vận hành lũ và vận hành điều tiết nước cho hạ du;
+ Thực hiện chế độ quan trắc, dự báo và cung cấp thông tin số liệu cho các cơ quan liên quan (Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Bộ Công Thương, Bộ TNMT, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT).
+ Lắp đặt hệ thông báo động, thông tin đến các hộ dân vùng hạ lưu khi tiến hành xả lũ.
- Chỉ đạo xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng phó các sự cố khẩn cấp đổi với hệ thông công trình thuỷ điện trên lưu vực sông theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tưởng và Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT theo quy định của Luật PCTT
- Chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia việc huy động công suất các thuỷ điện đảm bảo giảm lũ cho hạ du và cấp nước cho hạ du.
Năm là, trách nhiệm của chủ hồ
- Thực hiện lệnh vận hành hồ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh;
- Trường hợp xảy ra tình huống bất thường, không thực hiện được theo đúng lệnh vận hành, Chủ hồ phải báo cáo ngay với người ra lệnh vận hành.
- Khi thực hiện lệnh vận hành các cửa xả, Chủ hồ phải thông báo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực và các Chủ hồ bậc dưới liền kề;
- Thực hiện việc vận hành bảo đảm an toàn công trình theo quy định. Khi vận hành đảm bảo an toàn công trình, phải báo cáo ngay tới Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Sáu là, công tác vận hành khai thác hồ chứa thủy điện
- Đối với các công trình thủy điện đã đi vào vận hành khai thác đều được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo, giám sát thực hiện công tác vận hành phát điện, điều tiết hồ chứa, phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn đập một cách thường xuyên.
Kết quả cho thấy, thời gian vừa qua, các hồ chứa thủy điện đều được vận hành khai thác theo đúng quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các Chủ đập thủy điện đã tuân thủ các quy định về nguyên tắc xả lũ, thao tác, phương thức vận hành các cửa van đập tràn, công tác chuẩn bị phòng, chống lụt, bão và chế độ thông tin, báo cáo cho địa phương. Đặc biệt, một số đơn vị mặc dù mới quản lý vận hành công trình nhưng đã có nỗ lực trong việc thực hiện, tuân thủ quy trình. Các Chủ đập đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, trước khi xả lũ đều thực hiện theo đúng quy định và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để dự báo thủy văn cho công trình.
Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương