|
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu. Ảnh:VGP. |
Đây là nội dung được trao đổi tại Hội thảo quốc tế chuyên đề “Dịch chuyển cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức (bên lề Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020).
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năng lượng luôn là yếu tố quan trọng, là một động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các nước trên thế giới.
Ngày 11/2, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 55 đã đề ra một số quan điểm về định hướng chuyển dịch cơ cấu năng lượng cụ thể như đối với các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước cần khai thác và sử dụng hợp lý; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch với mục tiêu đề ra là tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045; ưu tiên phát triển điện khí, đảm bảo yêu cầu đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045. Cần có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện…
Về phát triển hạ tầng năng lượng, cần chú trọng phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương. Đối với ngành dầu khí, cần ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG).
Tiếp tục thu hút đầu tư trong lĩnh vực lọc - hoá dầu theo hướng chế biến sâu. Đối với ngành than, cần triển khai nhanh việc xây dựng hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than quy mô lớn; tăng cường cơ giới hoá, hiện đại hoá thiết bị sàng, tuyển và khai thác than. Đối với ngành điện, cần đầu tư hiện đại hoá ngành điện từ khâu sản xuất, truyền tải đến phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường điện, có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo; có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia…
Để thể chế hoá chủ trương nêu trên của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 55. Trong đó đặt ra nhiều giải pháp cụ thể để chuyển dịch cơ cấu năng lượng và phát triển hạ tầng năng lượng. Hiện nay, hạ tầng đảm bảo cung cấp năng lượng nước ta còn chưa thực sự hoàn chỉnh, đồng bộ; đặc biệt trong bối cảnh mới, khi nhu cầu nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp là than và LNG ngày càng lớn. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh của các nguồn điện gió, điện mặt trời tại một số khu vực, địa phương có điều kiện thuận lợi đã tạo ra những áp lực rất lớn trong lĩnh vực truyền tải điện. Để giải quyết nút thắt này, nhiều nhà đầu tư nguồn điện tái tạo đã kịp thời vận dụng những định hướng lớn… chủ động đề xuất và triển khai thực hiện một số dự án đầu tư về lưới truyền tải, hoặc đồng bộ cả nguồn và lưới truyền tải để giải toả công suất cho chính các dự án của mình cũng như của một số dự án lân cận trong khu vực.
|
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế. Ảnh:VGP. |
Thực tế đã cho thấy nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng cao đã gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn hẹp; ngoài ra, nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đang dần đạt ngưỡng bão hoà dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, những tác động này đã ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng quốc gia.
Phó Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Đức Hiển phân tích, để vượt qua những thách thức trong giai đoạn chuyển sang nhập siêu năng lượng, cần có những giải pháp căn cơ để tiếp tục đảm bảo nguồn cung trong nước theo hướng giảm dần giảm sự phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch (nhất là dầu khí); theo đó, việc đa dạng hóa hệ thống năng lượng cần phải dựa vào nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Song song với với phát triển hạ tầng năng lượng cần đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, phát triển năng lượng sạch và tái tạo ngày nay đang xu thế mới, làm thay đổi khá nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách để phát triển năng lượng sạch và tái tạo với tầm nhìn dài hạn, tập trung nhiều các nguồn lực về con người, khoa học - công nghệ và tài chính - tín dụng hướng tới việc xây dựng nền kinh tế các-bon thấp. Phát triển năng lượng xanh được gắn với việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Các ngành năng lượng sạch và tái tạo ngày nay đã và đang làm thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng thân thiện, bền vững.
Phó Trưởng ban Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, dịch chuyển cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó, cần nhận thức rõ những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng; về kinh nghiệm quốc tế trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng và một số bài học cho Việt Nam; nhận diện một số điểm nghẽn và đề xuất các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển hạ tầng truyền tải điện đồng bộ, hiệu quả và có khả năng kết nối khu vực, chú trọng giải pháp về lưới điện thông minh; vai trò của khoa học công nghệ trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với phát triển năng lượng; một số giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển dịch năng lượng trên cơ sở các nguồn phát phân tán và đa dạng hoá nguồn cung nhiên liệu…
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến hết năm 2019, cả nước có 5.039MW điện năng lượng tái tạo được hoà lưới điện quốc gia. Trong đó, chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. Ngoài ra, nhiều nhà máy điện mặt trời và điện gió đang xây dựng với công suất.
Đại diện EVN cho hay, trước năm 2019, không có nhà máy điện mặt trời nào đấu nối lưới điện 110kV trở lên.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, 89 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 4550 MW đã được thử nghiệm, đóng điện và hòa lưới điện Quốc gia.
Tuy nhiên, theo đại diện một số Hiệp hội DN phản ánh, Việt Nam đang vướng phải điểm nghẽn. Đó là, nhà nước đang thiếu điện, còn doanh nghiệp sản xuất ra điện gió, điện mặt trời, năng lượng sạch nhưng gặp khó khi tiêu thụ, vì thế, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điện. Cần có sự hỗ trợ phát triển nguồn lưới điện chung đủ để truyền tải những nguồn điện đó đi các vùng khác; tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư đặc biệt là thủ tục, các loại giấy phép, giải phóng mặt bằng, đất đai để tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho các nhà đầu tư.
Đại diện EVN cho biết, trong thời gian tới, các đơn vị sẽ tích cực thực hiện các mục tiêu giai đoạn 3 (từ sau 2022) của Quyết định 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 về việc Phê duyệt đề án phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam. Đó là, tiếp tục Chương trình trang ̣bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông cho lưới phân phối (SCADA/DMS cho tất cả các công ty điện lực tỉnh, tối ưu vận hành lưới điện phân phối, phát triển các nhà máy điện phân tán; triển khai các ứng dụng Lưới điện Thông minh (cân bằng cung – cầu điện năng ngay ở cấp độ người sử dụng điện, sử dụng năng lượng mới, tái tạo ở lưới phân phối; xây dựng các văn bản pháp luật cho phép triển khai các ứng dụng của Lưới điện Thông minh trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã có.
Anh Minh