Việt nam là một đất nước có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi cho việc khai thác tiềm năng thủy điện, với với khoảng 3.500 hệ thống sông, suối lớn nhỏ, tiềm năng thủy điện về lý thuyết khá lớn với tổng công suất khoảng 35.000 MW và điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm, trong đó miền Bắc chiếm khoảng 60%, miền Trung chiếm khoảng 27% và miền Nam chiếm khoảng 13%. Qua nghiên cứu, nếu xét về về mức độ khả thi, thì chỉ có thể khai thác được khoảng 26.000 MW với khoảng 100 tỷ kWh/năm. Đây là tài nguyên quý giá của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được tổ chức khai thác hợp lý.
Ngay từ những năm 1954, khi đất nước còn tạm thời chia cắt thành hai miền tại vĩ tuyến 17. Ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo khẩn trương bắt tay ngay vào xây dựng các công trình điện để phục vụ cho công cuộc tái thiết đất nước, tiến tới xây dựng CNXH. Ngày 21/7/1955, Cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên chuyên trách lĩnh vực điện là Cục Điện lực được thành lập. Cũng từ đó, các công trình thủy điện được lần lượt xây dựng như NMTĐ Đa Nhim công suất 160MW, Thác Bà công suất 108MW, tiếp đến là các NMTĐ Hòa Bình công suất 1.920 MW, Yaly công suất 720 MW, Sơn La công suất 2.400 MW, Lai Châu công suất 1.200 MW… lần lượt ra đời. Phải nói rằng, hơn 60 qua các công trình thủy điện đã được đầu tư xây dựng, hàng năm đã sản xuất và cung cấp hàng tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia, chống lũ, cấp nước tưới cho nông nghiệp, nước sinh hoạt cho nhân dân, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đến nay, về cơ bản, quy hoạch thủy điện trên cả nước đã được lập và phê duyệt, làm cơ sở xem xét cho triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Theo các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền, trên cả nước có khoảng 1.600 dự án với tổng công suất lắp máy là 32.534 MW và tổng dung tích phòng lũ thường xuyên cho hạ du khoảng của các hồ chứa thủy điện khoảng 11 tỷ m3. Trong đó có 494 dự án đã đi vào vận hành với tổng công suất lắp máy là 20.700 MW, hàng năm sản xuất khoảng 83 tỷ kWh, chiếm khoảng 30% về công suất lắp đặt và khoảng 27% về điện năng toàn hệ thống, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng. Đặc biệt là trong quá trình vận hành, các nhà máy thủy điện đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với ngành nông nghiệp, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các địa phương, thực hiện tốt đồng thời nhiệm vụ phát điện và nhiệm vụ cấp nước cho hạ du mùa khô, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện.
Công trình thủy điện Hòa Bình, Khởi công năm 1979 - Hoàn thành năm 1994
(Ảnh chụp tháng 01/2020)
Đập thủy điện Yaly nhìn từ khu điều hành, Khởi công năm 1993 - Hoàn thành năm 2002
(Ảnh chụp tháng 5/2020)
Với chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy điện. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã và đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả nhất. Cụ thể như sau:
1. Công tác quản lý quy hoạch
Căn cứ pháp luật, để hướng dẫn thực hiện và kêu gọi đầu tư các dự án điện, từ năm 2002, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án điện độc lập (IPP), từ năm 2012 đến nay đã được thay thế bởi Thông tư 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công Thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện (Thông tư 43).
Có thể nói, sự ra đời của Thông tư 43 đã cơ bản giải quyết cơ bản các vướng mắc mà trước đây chưa đây chưa có hướng dẫn cụ thể như công tác quản lý, lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch và hướng dẫn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án/công trình thủy điện, tạo sự thống nhất trong công tác quản lý theo thẩm quyền từ Bộ Công Thương đến các địa phương. Theo Thông tư 43, việc nghiên cứu lập quy hoạch bậc thang thủy điện trên các lưu vực sông chính và việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch thủy điện trên địa bàn cả nước thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, việc nghiên cứu, lập quy hoạch thủy điện trên các lưu vực sông nhánh thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh. Ngoài ra, các thành phần kinh tế trong xã hội cũng được chính quyền tạo điều kiện và cho phép nghiên cứu lập quy hoạch các dự án thủy điện để đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ theo đúng các quy định của pháp luật. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ ràng các tiêu chí về môi trường - xã hội, diện tích chiếm đất, sự phù hợp với quy hoạch điện lực, các quy định liên quan đến công tác lựa chọn chủ đầu tư và công tác lập và phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện,...
- Ngày 18 tháng 02 năm 2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện (NQ62), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP (NQ11) về Kế hoạch hành động thực hiện NQ62. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Bộ Công Thương đã tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc các nội dung của NQ62 và NQ11 bằng việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương Quyết định số 2046/QĐ-BCT ngày 10 tháng 3 năm 2014 nhằm triển khai thực hiện một cách cụ thể, thường xuyên, liên tục và có hiệu quả các Nghị quyết nêu trên của Quốc hội và Chính phủ. Cụ thể các nội dung chính được thực hiện như sau:
+ Tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường.
+ Kiểm tra, rà soát các công trình thủy điện đang triển khai xây dựng về đảm bảo chất lượng, an toàn công trình và đáp ứng các yêu cầu về môi trường, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Kiến nghị xử lý đối với các Chủ đầu tư dự án năng lực yếu, các dự án triển khai không tuân thủ các quy định của pháp luật, kể cả đề nghị thu hồi giấy phép, dừng thi công để khắc phục.
+ Rà soát năng lực của các cơ quan tư vấn lập quy hoạch và thiết kế công trình thủy điện, thu hồi hoặc không cấp Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế công trình thủy điện đối với các cơ quan tư vấn năng lực yếu.
+ Rà soát, chưa cấp hoặc thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện đối với các dự án đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa thực hiện đủ các quy định pháp luật hiện hành về quản lý chất lượng công trình, an toàn đập, trồng rừng thay thế, quy trình vận hành hồ chứa, dịch vụ môi trường rừng, các yêu cầu về môi trường…
+ Tiếp tục rà soát quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của xả lũ đối với hạ du.
+ Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
+ Chỉ đạo các chủ đập xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du các hồ chứa thủy điện trên các lưu vực sông lớn trong trường hợp xả lũ khẩn cấp và vỡ đập (trước mắt tập trung hoàn thành đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên).
Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương tại Nhà máy thủy điện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
(Ảnh chụp tháng 02/2017)
- Ngày 24 tháng 11 năm 2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019), đến ngày 07 tháng 5 năm 2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch. Theo đó, việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các dự án thủy điện cũng được điều chỉnh bởi các Văn bản pháp luật nêu trên. Do đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 đến hết tháng 12 năm 2019 Bộ Công Thương chưa xem xét bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện.
Trên cơ sở Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, từ tháng 01 năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương tiếp tục thẩm định điều chỉnh, bổ sung các dự án thủy điện theo quy định, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật có liên quan như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng,....
- Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 (Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát, đánh giá toàn diện từ các dự án đã được phê duyệt quy hoạch, đang thi công xây dựng đến các dự án đang được nghiên cứu, khảo sát để xem xét đưa vào quy hoạch trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
- Công tác rà soát tổng thể về thủy điện được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ các Bộ ngành Trung ương đến địa phương trên phạm vi toàn quốc theo các nội dung yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Đến nay, công tác rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng các yêu cầu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Kết quả rà soát liên tục từ năm 2012 - 2019, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 08 dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang, 472 DATĐ nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện, đây là các dự án có chiếm nhiều diện tích đất, ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội hoặc hiệu quả kinh tế thấp. Căn cứ kết quả rà soát, Bộ Công Thương đã thừa ủy quyền của Chính phủ liên tục có các báo cáo kết quả và đã được Quốc hội thông qua tại các Kỳ họp Quốc hội.
- Căn cứ báo cáo số 485/BC-CP ngày 14 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 101/2019/QH14 dừng việc hàng năm báo cáo Nghị quyết 40/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án Thủy điện Lai Châu và Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.
2. Công tác quản lý đầu tư xây dựng
- Về quản lý chất lượng công trình xây dựng: Nhìn chung, qua việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, công tác quản lý chất lượng xây dựng đã từng bước được nâng cao. Cụ thể, trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, việc điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công so với Hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền tham gia ý kiến; Chủ đầu tư các DATĐ đã nhận thức đúng đắn và thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật, đã có ý thức tăng cường đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm đầu tư xây dựng thủy điện nên việc quản lý chất lượng được ngày càng cải thiện. Mặt khác, trong quá trình thi công Chủ đầu tư các DATĐ đã thường xuyên báo cáo đầy đủ tình hình triển khai xây dựng cho các cơ quan chức năng theo quy định; các đơn vị tư vấn mới thành lập, còn thiếu kinh nghiệm đã quan tâm tuyển dụng đội ngũ cán bộ có chất lượng chuyên môn cao; các nhà thầu thi công đã chú trọng hơn trong việc bố trí nhân lực và thiết bị có chất lượng cao và hiện đại, phù hợp với đặc thù công việc.
Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương công trình thủy điện đang xây dựng tại tỉnh Hà Giang
(Ảnh chụp tháng 5/2019)
- Việc thực hiện quy định pháp luật hiện hành của Chủ đầu tư các dự án thủy điện về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa, trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ môi trường, nhìn chung đã được thực hiện khá nghiêm túc; công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư các DATĐ trên địa bàn cả nước về cơ bản đã tuân thủ đúng các quy định hiện hành.
- Về diện tích chiếm đất các dự án thủy điện:
Thống kê số liệu các hồ chứa và nhà máy thủy điện trên địa bàn cả nước từ thập kỷ 70 thế kỷ trước đến nay cho thấy tổng diện tích chiếm đất các loại là 285.900 ha (bao gồm đất mặt hồ, nhà máy, đất sông suối…), bình quân chiếm khoảng 14,5 ha đất các loại kể cả đất sông suối cho 01 MW (không có thống kê đầy đủ về đất rừng), cụ thể như sau: Giai đoạn trước năm 2010 chiếm diện tích đất các loại bao gồm đất mặt hồ, nhà máy, đất sông suối… là 244.800 ha; giai đoạn từ năm 2010 đến nay chiếm diện tích đất các loại bao gồm đất mặt hồ, nhà máy, sông suối… là 41.100 ha.
Trong giai đoạn trước năm 2010, chủ yếu các công trình thủy điện có quy mô lớn đã được xây dựng; giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2013, hầu hết các công trình thủy điện có quy mô vừa và lớn cũng đã được nghiên cứu, đầu tư xây dựng. Như vậy, tính đến hết năm 2013, tiềm năng các công trình thủy điện vừa và lớn trên địa bàn cả nước đã được nghiên cứu, đầu tư xây dựng và đi vào vận hành khai thác. Đây là những công trình thủy điện đa mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu cao về năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tuy nhiên cũng chiếm dụng rất lớn đất các loại kể cả đất sông suối (giai đoạn đến hết năm 2013 là 276.200 ha).
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ bình quân chỉ chiếm dưới 1,9 ha đất các loại kể cả đất sông suối cho 01 MW công suất.
Thực hiện quy định tại Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các Nghị định, Thông tư quy định, khi chiếm đất rừng phải trồng bù rừng thay thế. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm tháng 9 năm 2019, tổng diện tích phải chuyển đổi và trồng bù rừng thay thế tại các nhà máy thủy điện sau khi rà soát trên địa bàn cả nước là 30.305 ha.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong quá trình thẩm định và xem xét qui hoạch, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát để hạn chế tối đa diện tích chiếm đất đặc biệt là đất rừng và đất trồng lúa. Chính vì vậy diện tích chiếm đất bình quân cho 01 MW công suất các dự án thủy điện nhỏ đã giảm đáng kể so với trước đây từ 5-7 ha/01MW và hiện nay bình quân chỉ chiếm dưới 1,9 ha đất các loại kể cả đất sông suối cho 01 MW, trong đó, diện tích chiếm đất rừng trồng, rừng sản xuất so với tổng diện tích chiếm đất các loại kể cả đất sông suối khoảng 4,35 %. Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên.
- Công tác trồng bù rừng trong thời gian vừa qua đã được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương thống nhất chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt và đã đạt kết quả cao. Công tác trồng rừng thay thế tại các DATĐ trên địa bàn cả nước đã trồng bù được 33.735 ha rừng, đạt 111,3% so với diện tích phải trồng (30.305 ha), một số tỉnh trồng vượt diện tích phải trồng như Lai Châu vượt, Thanh Hóa, Nghệ An... Qua các đợt kiểm tra và làm việc với UBND các tỉnh, nhận thấy hầu hết Chủ đầu tư DATĐ hiện nay đều đã nhận thức đúng đắn và chấp hành nghiêm công tác trồng bù rừng thay thế đúng theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Đối với các Chủ đầu tư DATĐ không thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế theo quy định, Bộ Công Thương sẽ xem xét để thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực theo đúng chủ trương tại NQ11 của Chính phủ.
- Công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ngày càng khẳng định là nguồn tài chính quan trọng, bền vững trong bảo vệ và phát triển rừng. Theo thống kê của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15 tháng 9 năm 2019, cả nước đã thu được 1.880,9 tỷ đồng đạt 58,77% kế hoạch thu năm 2019 và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu từ các nhà máy thủy điện là 1.806,6 tỷ đồng, chiếm 96,05% tổng thu cả nước.
Diện tích đã trồng bù rừng thay thế và việc chi trả dịch vụ môi trường rừng từ các công trình thủy điện đã góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ các Công ty Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho người dân miền núi bảo vệ rừng có tiền nâng cao đời sống trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn. Số tiền chi trả cho các chủ rừng để tổ chức quản lý bảo vệ rừng năm 2018 (khoảng 6,3 triệu ha) chiếm khoảng 43% tổng diện tích rừng của toàn quốc. Mặt khác, chính sách chi trả DVMTR đã góp phần rất lớn trong việc tăng thu nhập cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng. Cụ thể hiện nay có khoảng hơn 500 ngàn hộ gia đình, cộng đồng được nhận tiền chi trả DVMTR qua hình thức chi trả trực tiếp và chi trả qua nhận khoán, nguồn thu từ DVMTR bình quân cả nước khoảng hơn 2 triệu đồng/hộ/năm, đã góp phần nâng cao thu nhập giúp giảm khó khăn trong đời sống cho đồng bào, đây là nguồn thu quan trọng cho các hộ gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, rừng trồng còn có một số nhược điểm như thảm phủ thực vật chưa bằng rừng tự nhiên hiện có.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng các DATĐ vừa và nhỏ thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, tuy nhiên với trách nhiệm là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và Chủ đầu tư dự án tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng công trình.
Đoàn công tác của Cục điện lực và Năng lượng tái tạo làm việc với địa phương