Ảnh toàn cảnh công trình thủy điện Thác Bà đang trong quá trình xây dựng (nguồn VietnamNet)
3. Định hướng phát triển thủy điện
Trong thời gian vừa qua, tiềm năng các công trình thủy điện vừa và lớn trên địa bàn cả nước đã được nghiên cứu, đầu tư xây dựng và đi vào vận hành khai thác. Đây là những công trình thủy điện đa mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu cao về năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Hiện nay, các dự án thủy điện đang vận hành đang phát huy hiệu quả rất tốt, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng trong hệ thống điện quốc gia.
- Trong thời gian tới, chủ yếu thực hiện việc đầu tư xây dựng các DATĐ có quy mô vừa và nhỏ. Theo rà soát tiến độ thực hiện của các dự án thủy điện, giai đoạn 2020- 2025, hệ thống có thể bổ sung thêm khoảng 1.840 MW thủy điện vừa và lớn (gồm cả các dự án mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư như Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng). Các dự án thủy điện nhỏ có khả năng phát triển thêm khoảng 2.700 MW trong giai đoạn đến 2030. Công tác quản lý đầu tư xây dựng các DATĐ vừa và nhỏ thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, tuy nhiên với trách nhiệm là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và Chủ đầu tư dự án tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng công trình.
- Để triển khai công tác lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, ngày 25 tháng 7 năm 2019, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã tham mưu cho Bộ Công Thương ban hành Văn bản số 5276/BCT-ĐL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có DATĐ khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung như sau:
+ Tiếp tục thực hiện rà soát các DATĐ đã có trong quy hoạch trên địa bàn do tỉnh quản lý, cụ thể như sau: Đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành của Chủ đầu tư về quản lý an toàn đập, phương án trồng rừng thay thế, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, Quy trình vận hành hồ chứa, Giấy phép khai thác nước mặt, Giấy phép hoạt động điện lực và các yêu cầu khác về môi trường; Đánh giá về công tác quản lý đầu tư, quản lý chất lượng công trình, việc thực hiện các yêu cầu về môi trường, tái định cư… của Chủ đầu tư; Các dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai xây dựng; Các dự án cần tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế, về môi trường - xã hội, diện tích chiếm đất lớn...; Các dự án đã có trong quy hoạch nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Các dự án thuộc diện phải điều chỉnh quy hoạch; Các dự án tiếp tục đề nghị loại khỏi quy hoạch.
+ Rà soát tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, thống kê danh mục các dự án thủy điện đủ tiêu chí để đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII. Trong đó, nêu rõ giai đoạn dự kiến đầu tư xây dựng đối với dự án (giai đoạn 2021÷2025, giai đoạn 2025÷2030 và sau 2030) đảm bảo đồng bộ với tiến độ xây dựng hệ thống truyền tải điện trong khu vực.
+ Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 của Quốc hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 đến nay (công tác nghiên cứu, khảo sát để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch), trong đó đánh giá cụ thể những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch đối với lĩnh vực thủy điện tại địa phương.
+ Báo cáo danh mục các DATĐ đang chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư trên địa bàn thuộc đối tượng thẩm tra Thiết kế cơ sở, thiết kế sau Thiết kế cơ sở và kiểm tra công tác nghiệm thu theo Nghị định và Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Trong thời gian tới, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng sẽ dự thảo để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điện VIII, theo đó 13 quy hoạch bậc thang thủy điện trên các sông lớn và quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc sẽ được tích hợp vào quy hoạch này. Vì vậy quy hoạch thủy điện cũng sẽ được đánh giá, xem xét đảm bảo hài hòa, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung.
Với mục đích Phát triển thủy điện một cách bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và thực thi các quy định pháp luật của các cơ quan, đơn vị liên quan về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các dự án/công trình thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có dự án thủy điện, gắn với phát triển bền vững và an toàn, bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 9844/BC-TĐL ngày 22/12/2020 để chỉ đạo các tỉnh có dự án thủy điện tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án/công trình thủy điện với các nội dung chính như sau:
- Đối với các dự án thủy điện đã vận hành và đang thi công: Tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể những mặt tích cực và hạn chế, khó khăn trong quá trình phát triển thủy điện trên địa bàn thời gian vừa qua, trong đó đặc biệt cần phân tích, đánh giá về an toàn các công trình và các vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trong điều kiện biến đổi thời tiết khí hậu cực đoan.
- Đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng: Tạm dừng, chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn đến dân cư; không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế.
- Tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh, kiên quyết loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường. Chưa xem xét, nghiên cứu để đề xuất bổ sung vào quy hoạch đối với các dự án thủy điện có quy mô công suất nhỏ hơn 10 MW.
- Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các dự án/công trình thủy điện về công tác quản lý chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn công trình và đáp ứng các yêu cầu về môi trường, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án thủy điện nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Xử lý nghiêm các Chủ đầu tư dự án không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng, kể cả xem xét thu hồi giấy phép, dừng thi công để khắc phục.
- Đẩy mạnh rà soát công tác vận hành khai thác các công trình thủy điện, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thủy văn thực tế nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của xả lũ đối với hạ du; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các chủ đập không tuân thủ đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và thực hiện quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo quy định.
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án/công trình thủy điện.
- Rà soát, đánh giá những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án/công trình thủy điện trên địa bàn trong thời gian vừa qua để đề xuất, kiến nghị các biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Trong thời gian tới, trên cơ sở Quyết định số 3575/QĐ-BCT-ĐL ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác thủy điện, Cục Điện lực sẽ chủ trì tổ chức các Đoàn Công tác của Bộ Công Thương để kiểm tra, làm việc trực tiếp với các địa phương về hoạt động đầu tư xây dựng và vận hành các dự án/công trình thủy điện.
4. Đánh giá chung
Theo nhận định của các chuyên gia về khí tượng thủy văn và địa chất, hiện tượng thời tiết cực đoan đang và sẽ diễn ra khắp khu vực châu Á, đặc biệt là Việt Nam sẽ phải hứng chịu những tác động rất lớn do biến đổi khí hậu, trong đó các hiện tượng mưa lũ kết hợp biến động địa chất sẽ xảy ra với cấp độ ngày càng nguy hiểm hơn. Bằng chứng là thời gian vừa qua, mưa, lũ vượt mức lịch sử đã xảy ra tại khu vực miền Trung đã gây lên lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng và dẫn tới rất nhiều vùng bị sạt lở đất qui mô lớn. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng lũ ống, “lũ quét bùn đá” đã xuất hiện ở nhiều nơi, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản, cũng như các công trình hạ tầng… được đánh giá là do mưa đặc biệt lớn và kéo dài. Tuy nhiên, nhờ chủ động nắm bắt kịp thời thông tin dự báo về khí tượng, thủy văn; dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các cấp thẩm quyền, công tác vận hành các hồ chứa thủy điện cơ bản an toàn, không gây tác động bất lợi cho hạ du, đặc biệt là các hồ chứa vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã góp phần cắt giảm lũ.
Thực tế hiện nay, một số công trình thủy điện lớn, đa mục tiêu, ngoài nhiệm vụ phát điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia còn được thiết kế nhằm mục đích chủ động cắt, giảm lũ vào mùa mưa và đảm bảo cung cấp nước cho các hoạt động phục vụ nông nghiệp - sinh hoạt. Tuy nhiên, đối với các dự án thủy điện vừa và nhỏ được thiết kế với quy mô dung tích hồ chứa không lớn, với khả năng chủ yếu là điều tiết ngày - đêm nên chỉ có thể giảm các trận lũ nhỏ, lũ thường xuyên.
Song song với việc phát triển thủy điện một cách bền vững, giảm thiểu các tác động ảnh hưởng đến môi trường - xã hội theo chủ trương của Quốc hội và Chính chủ đã được Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện từ trước tới nay, để hạn chế các tác động tiêu cực trước tình hình biến đổi cực đoan của thời tiết, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã tham mưu đề xuất một số giải pháp sau:
- Về khảo sát, đánh giá và dự báo: Theo nhận định của các chuyên gia, rất khó có thể dự báo thời gian và địa điểm xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với dự báo về gió, bão, lũ lụt. Thực tế cho thấy, việc thiết kế xây dựng các hạng mục công trình để chống chịu lại các hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét là bất khả thi so với việc có thể thiết kế các kết cấu chịu được gió bão, động đất. Mặt khác, hiện nay các quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lựa chọn địa điểm xây dựng, khảo sát địa chất - địa hình để xây dựng các công trình nói chung trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét còn khá khiêm tốn, chưa đầy đủ. Vì vậy, cần khẩn trương nghiên cứu để ban hành các hướng dẫn về điều tra, khảo sát dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di dời khẩn cấp đối với các công trình hiện hữu trong mùa mưa lũ; đồng thời nhanh chóng ban hành hướng dẫn kỹ thuật trong việc lựa chọn, khảo sát địa điểm xây dựng công trình lán trại, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất.
- Về nâng cao khả năng cân bằng sinh thái: Trong thời gian vừa qua, mặc dù công tác trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện theo Luật bảo vệ và Phát triển rừng đã đạt được kết quả cao về diện tích trồng, tuy nhiên chất lượng rừng trồng thay thế còn tồn tại một số nhược điểm như: Loại cây được trồng chưa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, rừng trồng chưa đảm bảo mật độ, chưa đảm bảo được sự đa dạng sinh học, thảm phủ và môi trường tương đương rừng tự nhiên… Mặt khác, các quy định, hướng dẫn về thành phần loài cây cũng như phương thức trồng, chăm sóc… chưa cụ thể nên chất lượng trồng rừng thay thế hiện còn chưa được như mong muốn. Do đó, cần khẩn trương chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án trồng rừng thay thế đối với các DATĐ nói riêng cũng như các dự án/công trình khác nói chung nhằm góp phần nâng cao chất lượng trồng rừng đảm bảo cân bằng sinh thái và khả năng tự điều tiết nguồn nước trên lưu vực.
- Về khả năng tiêu thoát lũ và công tác xây dựng bản đồ ngập lụt phía hạ du các đập và hồ chứa: Qua đợt mưa lũ vượt mức lịch sử vừa qua tại miền Trung, đã xảy ra hiện tượng ngập úng kéo dài phía hạ du các đập và hồ chứa khi xả lũ, thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu là hành lang thoát lũ bị co hẹp do việc xây dựng lấn chiếm hành lang thoát lũ của các công trình dân dụng cũng như các công trình giao thông (đường ngang, cống qua đường, ngầm tràn) có khẩu độ chưa phù hợp, không đáp ứng được khả năng thoát lũ. Mặt khác, bản đồ ngập lụt hạ du đập và hồ chứa nước chưa được xây dựng hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp để làm cơ sở xác định phạm vi và mức độ ngập của vùng hạ du đập, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó khi hồ xả nước theo quy trình, xả lũ trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập. Vì vậy, việc khẩn trương xây dựng, phê duyệt bản đồ ngập lụt hạ du đập và hồ chứa nước là hết sức cần thiết nhằm kịp thời triển khai công tác ứng phó với tình huống thiên tai khẩn cấp. Trong thời gian tới, cần sớm triển khai xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du theo thẩm quyền đã được quy định tại Luật Thủy lợi và Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ.
- Về việc đánh giá tác động môi trường: Việc thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án thủy điện hiện nay cũng còn tồn tại nhiều bất cập như: Chất lượng lập ĐTM của một số dự án còn chưa đảm bảo, còn hình thức, chưa đánh giá đầy đủ, thực chất các tổn hại về đất đai, nguồn nước và môi trường sinh thái khi xây dựng các công trình thủy điện. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý có liên quan đến công tác lập, thẩm định và phê duyệt ĐTM đảm bảo các tiêu chí cần thiết để đánh giá đúng, đủ về tác động liên quan đến môi trường - xã hội trong khu vực.
- Về vận hành công trình: Qua các đợt mưa lũ rất lớn trên diện rộng trong thời gian vừa qua, cần thiết phải đánh giá lại quy trình vận hành điều tiết lũ của các hồ chứa trên cơ sở cập nhật các đặc trưng lũ và năng lực vận hành các công trình thủy lợi - thủy điện (đặc biệt là các hồ chứa được xây dựng từ lâu, khi số liệu khí tượng - thủy văn lũ còn hạn chế và công nghệ tính toán chưa bằng hiện nay) để có giải pháp bổ sung, điều chỉnh cả về mặt công trình và phi công trình nhằm đảm bảo an toàn./.