Chiều 24/2/2021, tại Hà Nội đã diễn ra Đối thoại về Năng lượng Tái tạo giữa Vương quốc Anh và Việt Nam: Củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, do Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức.
Sự kiện là một trong những trọng tâm hợp tác về năng lượng tái tạo được hiện thực hóa sau buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Công Thương và Đại sứ quán Vương quốc Anh ngày 3/2 vừa qua.
Tiềm năng phát triển lớn
Phát biểu tại buổi Đối thoại, ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết, năng lượng sạch đang vươn lên là xu hướng toàn cầu, khi mà mỗi 1 USD đầu tư cho năng lượng sạch giúp thu lại tới 3-8 USD.
Tại Việt Nam, năng lượng tái tạo đã và đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ khi có tiềm năng lớn, đơn cử như điện gió ngoài khơi có tiềm năng khai thác lên tới gần 160GW nhờ vùng biển rộng lớn, sức gió lớn, số giờ vận hành trong năm cao… Không những vậy, năng lượng tái tạo sẽ giúp tạo ra thêm lượng lớn công việc cho người lao động Việt.
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward
Ngày 25/11/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ mục tiêu “Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050”.
Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lượng và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, những quyết sách này của Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh tiềm năng các nguồn thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nguồn nhiệt điện than gặp khó khăn trong huy động vốn do các cam kết liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, nguồn nhiệt điện khí có giá thành còn cao và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới.
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lượng và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương
Kết quả là, đến cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) đạt 25% tổng công suất toàn hệ thống 69.000MW của Việt Nam. Trong đó, điện mặt trời nổi và điện mặt trời mặt đất có 148 dự án, công suất lắp đặt trên 8.800MW; điện mặt trời mái nhà có hơn 100.000 dự án, công suất lắp đặt gần 9.300MW; điện gió có 11 dự án, công suất lắp đặt 511MW.
Số liệu tại Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) cho thấy, tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam lên tới 855GW, trong đó đáng kể nhất là điện mặt trời (khoảng 434GW) và điện gió (khoảng 375GW, gồm điện gió mặt đất 217GW, điện gió ngoài khơi 158GW).
Riêng lĩnh vực điện gió ngoài khơi đang bắt đầu nhận được hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, trong đó có Chính phủ Anh, để tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phù hợp nhằm khai thác nguồn tiềm năng thiên nhiên này cũng như thúc đẩy chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ góp phần gia tăng việc làm, năng lực sản xuất trong nước và tỷ trọng nội địa hóa.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), đơn vị được giao xây dựng Quy hoạch điện VIII
Thu hút sự quan tâm đầu tư
Đáng chú ý, tại buổi Đối thoại ngày 24/2, rất nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp Vương quốc Anh bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vào thị trường điện tái tạo Việt Nam.
Theo ông Bùi Vĩnh Thắng - Giám đốc Đối ngoại Mainstream Việt Nam, vấn đề quy hoạch và các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước rất quan trọng đối với nhà đầu tư lĩnh vực điện giónói chung cũng như điện gió ngoài khơi nói riêng. Mainstream chính là doanh nghiệp tiên phong đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam - Phú Cường Sóc Trăng, có công suất 1.400MW.
“Tôi rất vui khi thấy tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đã bắt đầu dành sự ưu tiên cho điện gió ngoài khơi cũng như đưa ra những định nghĩa rõ ràng hơn cho lĩnh vực này”, ông Bùi Vĩnh Thắng chia sẻ.
Ông Nguyễn Ninh Hải - Trưởng Phòng Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thông tin thêm, Bộ Công Thương hiện đang tiến hành phối hợp với một số tổ chức nghiên cứu, đánh giá toàn diện về phát triển điện gió ngoài khơi, một lĩnh vực còn khá mới tại Việt Nam, để từ đó có sự so sánh, phân tích và tham mưu cơ chế hỗ trợ nếu cần.
Ông Nguyễn Ninh Hải - Trưởng Phòng Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo
Các dự án ngành năng lượng thường đòi hỏi đầu tư lượng vốn lớn, thời gian dài. Do đó, điều mà các nhà đầu tư mong muốn là những cơ chế hỗ trợ sẽ dài hạn hơn, ít biến động; đi cùng đó thì các thủ tục phê duyệt, cấp phép cần đơn giản, rõ ràng hơn.
“Để có thể đầu tư triển khai một dự án năng lượng tại Việt Nam, nhà đầu tư cần hiểu khá rõ về cơ chế, thủ tục như hợp đồng mua bán điện, biểu giá FIT,… Vì thế, chúng tôi mong Việt Nam tăng cường tính minh bạch, rõ ràng và ổn định của chính sách trong dài hạn, từ đó nhà đầu tư sẽ dễ dàng phân tích, tính toán chi phí điện quy dẫn nhằm có sự so sánh với các phương án đầu tư khác”, ông Benjamin Dubas - đại diện Lightsource BP cho hay.
Đặc biệt, các tập đoàn năng lượng và tổ chức tài chính, tín dụng đặt nhiều câu hỏi về khả năng điều chỉnh hợp đồng mua bán điện (PPA) mẫu nhằm huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Chia sẻ với những lo lắng của các nhà đầu tư, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng cho biết, việc áp dụng giá FIT thời gian qua nhằm khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo ở giai đoạn đầu của Việt Nam.
Mặt khác, nhờ vào sự phát triển của công nghệ, giá thành điện mặt trời, điện gió hiện đã giảm nhiều. Do vậy, cơ chế giá FIT sẽ không duy trì trong thời gian dài, dần thay vào đó là cơ chế đấu thầu cạnh tranh.
Ngoài ra, các dự án điện mặt trời xuất hiện nhiều thời gian qua quy mô chưa lớn, đòi hỏi vốn chưa cao, nên chủ yếu dựa vào nguồn vốn chủ đầu tư và ngân hàng trong nước. Trong tương lai, các dự án điện gió, đặc biệt điện gió ngoài khơi, yêu cầu nguồn vốn lớn hơn, chắc chắn sẽ cần huy động đến nguồn quốc tế, mà một số nội dung trong mẫu PPA hiện nay lại chưa thỏa mãn điều kiện vay vốn nước ngoài.
Là cơ quan tham mưu ban hành và quản lý thực thi chính sách trong lĩnh vực điện lực, Bộ Công Thương khẳng định luôn lắng nghe và tích cực tiếp thu các ý kiến, đóng góp trên tinh thần cầu thị, sẽ có những điều chỉnh về mẫu PPA để phù hợp với các thông lệ quốc tế và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật tại Việt Nam.
Cùng với đó, Quy hoạch điện VIII đang trong quá trình hoàn thiện sẽ là Quy hoạch toàn diện và tổng thể, có sự tính toán, phân tích từ nhu cầu phụ tải đến định hướng phát triển nguồn điện, lưới điện và các vấn đề kinh tế, môi trường,… liên quan của Việt Nam. Một trong những ưu tiên đặt ra là phát triển năng lượng tái tạo, trên cơ sở cân đối giữa các nguồn điện và đảm bảo vấn đề truyền tải giữa các vùng miền.
Đại diện Bộ Công Thương hy vọng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Anh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện gió ngoài khơi, lĩnh vực mà Anh đã có nhiều kinh nghiệm phát triển, Việt Nam có tiềm năng và mong muốn thúc đẩy phát triển./.