Cơ hội và bước tiến mới trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Đây là đánh giá của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ trước Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 24/2014/QĐ-TTg năm 2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.

co hoi va buoc tien moi trong phat trien nang luong tai tao tai viet nam

Theo Quyết định mới, giá điện sinh khối đã có những điều chỉnh tăng. Cụ thể giá điện cho các dự án sinh khối đồng phát nhiệt – điện là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScents/kWh; giá điện cho các loại dự án sinh khối khác là 1.968 đồng/kWh, tương đương 8,47 UScents/kWh, tính theo tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ. Giá mua điện nói trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Đại diện Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ đánh giá cao những sửa đổi và điều chỉnh của Chính phủ Việt Nam đối với điện sinh khối. Đây là nền tảng quan trọng để Chính phủ Việt Nam thu hút hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối, nhằm tiến tới đạt được mục tiêu của mà Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 482/QĐ-TTg) đặt ra là phát triển điện sinh khối các giai đoạn đến năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 660 MW, 1.200 MW và 3.000 MW. Năm 2019, chỉ có 175 MW công suất lắp đặt của điện sinh khối được nối vào lưới điện.

Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Ngành năng lượng EU - Việt Nam (EVEF) là Dự án Hợp tác Kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam, Liên minh Châu Âu (EU), Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ). EU và Chính phủ Đức đồng tài trợ và ủy quyền cho GIZ thực hiện dự án. Dự án hướng tới góp phần tăng cường sự quản lý nhà nước trong ngành năng lượng nhằm thúc đẩy một bước tiến sang lộ trình phát triển năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam. Dự án này cũng sẽ góp phần xây dựng khung pháp lý cần thiết để Việt Nam đạt được các cam kết của mình đối với việc giảm phát thải khí nhà kính có liên quan đến các hoạt động năng lượng trong bối cảnh các đóng góp do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam.

Việc thực thi EVEF đã hỗ trợ Bộ Công Thương trong những năm vừa qua trong việc thực hiện tính toán lại giá bán điện sinh khối (biomass) bao gồm: (1) Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và đánh giá thị trường sinh khối ở Việt Nam và trên thế giới; (2) Xây dựng mô hình tính toán và tính toán giá bán điện cho điện đồng phát (mía đường), và các nguồn sinh khối khác (từ phụ phẩm nông nghiệp và vụn gỗ); (3) Phân tích về khả năng áp dụng giá bán điện năng cho đốt trộn sinh khối (co-firing); (4) Đánh giá tác động của mức giá mua điện sinh khối mới lên giá điện bán lẻ; và (5) Hỗ trợ xây dựng Dự thảo, Tờ trình, Quyết định… và hỗ trợ Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo trong quá trình trình và thẩm định tờ trình.

Kể từ năm 2019, GIZ cũng đã và đang tiếp tục phối hợp với đối tác chiến lược là Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo - Bộ Công Thương thực hiện Dự án Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam (BEM) nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển bền vững các nguồn tài nguyên sinh khối để sản xuất nhiệt và điện. Các hoạt động điển hình như: (1) Tạo điều kiện và hỗ trợ điều chỉnh khung chính sách về lập quy hoạch và cấp phép các dự án điện sinh khối (như việc điều chỉnh tăng giá điện sinh khối mới đây); (2) Tập trung tăng cường năng lực cho khu vực tư nhân để triển khai xây dựng và các tổ chức tài chính để huy động cấp vốn thực hiện các dự án điện sinh khối; (3) Thúc đẩy hợp tác công nghệ và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học nhằm trao đổi kinh nghiệm về phát triển các dự án điện sinh khối.

Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (4E)/EVEF, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng cho biết: “Việt Nam có tiềm năng lớn về sinh khối, có thể khai thác để sản xuất năng lượng, đặc biệt là sản xuất điện. Việc Chính phủ Việt Nam đưa ra các Quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện sinh khối sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra việc làm xanh, cải thiện an ninh và chất lượng nguồn cung điện và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành mía đường thông qua việc tăng doanh thu cho các công ty sản xuất đường, tăng hiệu quả, và giảm phế thải. Năng lượng sinh khối đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định, chiến lược tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam. Nguồn năng lượng tái tạo này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.”

Ông Tobias Cossen, Giám đốc Dự án BEM, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng cho biết thêm: Chính sách về năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong thời gian gần đây đặt rất nhiều chú ý vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió, đặc biệt là sự phát triển trong tương lai của năng lượng gió. Việc tăng giá đối với năng lượng sinh khối là một tín hiệu rất tích cực từ chính phủ cho thấy năng lượng sinh học sẽ có chỗ đứng trong bức tranh năng lượng tương lai bằng việc sử dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp (ví dụ như bã mía).”

Vũ Sơn


  • Theo Báo Công Thương